Vượt VinFast, Vinpearl trở thành khoản đầu tư lớn nhất của Vingroup

Vingroup tăng mạnh dòng tiền bơm vào Vinpearl

Tập đoàn Vingroup (VIC) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2021 với khoản lỗ quý đầu tiên kể từ khi niêm yết trên thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó, khoản lỗ trong quý cuối năm cũng khiến tập đoàn này lỗ ròng hơn 7.500 tỷ đồng trong cả năm 2021, bất chấp việc doanh thu vẫn tăng 13%.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới khoản lỗ đầu tiên của tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam là do các mảng kinh doanh dịch vụ như bất động sản cho thuê, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí chịu ảnh hưởng lớn bởi các đợt giãn cách kéo dài vì dịch bệnh.

Ngoài ra, việc quyết định dừng sản xuất xe xăng để tập trung nguồn lực cho xe điện cũng khiến tập đoàn phát sinh một khoản chi phí một lần.

Vinpearl là khoản đầu tư lớn nhất của Vingroup vào các công ty con

Đầu tư vào Vinpearl là 37.851 tỷ

Thực tế, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong năm 2021, đặc biệt là đợt bùng phát lần thứ 4 (từ tháng 5/2021) đã khiến nhiều địa phương trên cả nước phải phong tỏa nghiêm ngặt, kết quả là mảng kinh doanh bất động sản cho thuê, du lịch, nghỉ dưỡng của Vingroup bị ảnh hưởng trực tiếp.

Vingroup tăng tốc bơm tiền vào Vinpearl – Xem thêm giá Vinhomes smart city

Cụ thể, đến cuối năm 2021, tập đoàn mẹ Vingroup đã chi hơn 125.900 tỷ đồng để đầu tư vào các công ty con, tăng 32% so với cuối năm 2020. Trong đó, riêng khoản đầu tư vào Vinpearl là 37.851 tỷ, tăng hơn gấp đôi so với một năm trước.

Khoản đầu tư này cũng vượt trên cả khoản đầu tư Vingroup rót vào Vinhomes và VinFast để trở thành khoản đầu tư lớn nhất của tập đoàn mẹ tính đến năm 2021.

Cũng trong năm 2021, thông qua việc bán bớt một phần cổ phiếu VHM, Vingroup đã giảm giá trị đầu tư vào Vinhomes từ 22.981 tỷ đầu năm 2021 xuống 21.992 tỷ vào cuối năm. Ngược lại, tập đoàn gia tăng khoản đầu tư tại VinFast thêm 30%, đạt mức 26.128 tỷ đồng.

Đây là 3 khoản đầu tư lớn nhất của tập đoàn mẹ Vingroup chi ra đến nay, chiếm gần 70% tổng giá trị các khoản đầu tư vào công ty con.

Như vậy, sau giai đoạn bơm mạnh tiền bổ sung vốn và mở rộng hoạt động cho VinFast, trong 2 năm gần nhất, Vingroup đã phải chuyển hướng dòng tiền lớn hơn vào Vinpearl để duy trì hoạt động kinh doanh cho doanh nghiệp này trước chịu tác động trực tiếp của dịch bệnh.\

Nếu tính trong giai đoạn 2020-2021, Vinpearl cũng là công ty con nhận được nhiều tiền nhất từ tập đoàn mẹ thông qua hình thức đầu tư trực tiếp.

Cụ thể, đầu năm 2020, giá trị khoản đầu tư của Vingroup vào công ty này mới đạt 9.626 tỷ đồng và nắm giữ 50% vốn, xếp sau khoản đầu tư 12.867 tỷ tại VinFast và 22.981 tỷ đồng tại Vinhomes.

Đến cuối năm 2020, giá trị khoản đầu tư này đã tăng lên 16.992 tỷ đồng, với tỷ lệ nắm giữ tăng lên tương ứng 68,21%.

Trong quý I/2021, Vingroup giữ nguyên khoản đầu tư tại Vinpearl và chỉ bơm thêm 1.950 tỷ đồng vào VinFast. Tuy nhiên, từ quý II, khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, tập đoàn mẹ đã phải tăng tốc bơm tiền cho Vinpearl.

Khoản đầu tư này nhanh chóng tăng lên mức 25.091 tỷ đồng vào cuối tháng 6/2021, chính thức vượt Vinhomes và VinFast trở thành khoản đầu tư lớn nhất của Vingroup vào các công ty con. Đến cuối quý III cùng năm, giá trị khoản đầu tư này lại tăng thêm 9.077 tỷ, đạt 34.158 tỷ đồng và tăng lên mức 37.851 tỷ đồng vào cuối năm 2021.

Ngoài việc bơm tiền cho Vinpearl thông qua góp vốn, Vingroup còn tập trung lượng lớn dòng tiền cho công ty con này vay trong năm.

Cụ thể, Vingroup đang có khoản cho vay ngắn hạn gần 15.000 tỷ đồng với Vinpearl, lãi suất dao động trong khoảng 7-9%/năm. Đây cũng là khoản vay ngắn hạn lớn nhất mà tập đoàn mẹ cấp cho một công ty con năm 2021. Với khoản vay này, Vingroup cũng đang có một khoản lãi vay phải thu trị giá 234 tỷ đồng tại Vinpearl.

Vingroup lĩnh vực khách sạn, nghỉ dưỡng

Theo báo cáo kết quả kinh doanh, lãnh đạo Vingroup cho biết lĩnh vực khách sạn, nghỉ dưỡng chính là mảng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các đợt giãn cách xã hội và việc đóng cửa đường bay quốc tế trong suốt năm 2021.

Tuy nhiên, tình hình hoạt động đã bắt đầu cải thiện từ quý IV/2021 với chương trình thí điểm hộ chiếu vaccine. Trong năm 2022, với việc tỷ lệ tiêm vaccine tăng cao và đường bay quốc tế dự kiến mở lại, kết quả kinh doanh của Vinpearl được kỳ vọng sẽ sáng sủa hơn.

Theo báo cáo bộ phận, mảng kinh doanh dịch vụ khách sạn, du lịch, vui chơi giải trí của Vingroup (do Vinpearl quản lý) năm vừa qua chỉ ghi nhận 3.801 tỷ đồng doanh thu thuần nhưng lỗ trước thuế 10.899 tỷ.

Đây là mảng thua lỗ lớn thứ 2 của tập đoàn trong năm, xếp sau khoản lỗ 23.948 tỷ đồng ở mảng sản xuất và các dịch vụ liên quan. Ngoài ra, các mảng kinh doanh trong lĩnh vực y tế, giáo dục và kinh doanh khác của Vingroup vẫn chưa có lãi trong năm gần nhất.

Hoạt động kinh doanh chuyển nhượng bất động sản và cho thuê bất động sản đầu tư (Vinhomes và Vincom Retail) vẫn đang là 2 mảng chính mang về lợi nhuận cho tập đoàn, đóng vai trò bù lỗ cho các mảng kinh doanh còn lại.